E N D
GIÁO XỨ TÂM AN TĨNHTÂMGIỚI TRẺ
KINH GIỚI TRẺ Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã sống tuổi trẻ như chúng con, và đã gọi ngay nhiều người trẻ đến với Chúa khi Chúa vào đời. Chúa cùng họ rảo hết khắp xóm làng, trèo lên những ngọn núi cao, nhiều lần gặp sóng gió trên biển hồ, Chúa dạy họ cầu nguyện, để đón nhận mặc khải của Chúa Cha, và sai họ đem bình an đến cho mọi nhà. Rồi tuôn đổ Thánh Thần xuống trên họ. Chúa đã sai nhóm trẻ đi xây dựng Giáo Hội và thế giới mới, trên nền tảng Tin Mừng và Tình Yêu của Chúa. Xin cho người trẻ chúng con hôm nay, biết đón nhận ánh mắt yêu thương của Chúa, bảo nhau đến với Chúa và trở thành người môn đệ Chúa yêu.
Xin thuật lại cho chúng con các dụ ngôn về người trẻ, để chúng con không bỏ nhà, khiến cha già phải nhớ thương. Nhưng chúng con phải sử dụng tài năng với tinh thần thức tỉnh và khôn ngoan. Xin đào tạo chúng con như nhóm trẻ ban đầu của Chúa. để các đôi bạn trẻ luôn hân hoan vì rượu mới Chúa ban . Và để nhiều người trẻ khác tiếp tục sứ mạng cứu thế, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, hầu nhiều người được sống, và được sống dồi dào. Amen.
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC NƠI NGƯỜI TRẺ HÔM NAY
Đạo đức là thước đo thang giá trị của con người mọi thời đại. Những giá trị đạo đức không bao giờ thay đổi, có chăng là chỉ thay đổi cách nhìn về giá trị ấy. Điều này chúng ta sẽ thấy rõ nơi cuộc sống hiện đại. Cuộc sống hiện đại đã làm cho con người có những cách nhìn mới về những giá trị đạo đức. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật tân tiến mang lại cho con người nhiều tiện nghi thoải mái. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho con người nhiều nỗi phiền toái, và còn lấy mất khỏi con người nhiều giá trị cao đẹp – vốn là những điều quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lý tưởng sống của con người.
I. ĐẠO ĐỨC VÀ VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC TRONG ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI
1. Đạo đức là gì ? Để hiểu đạo đức là gì, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu từ nguyên của nó đã. Trong tiếng Việt, nghĩa của từ “đạo đức” và “luân lý” gần gần giống nhau. Theo nghĩa hẹp, đạo đức là phẩm chất tốt đẹp của con người do tu dưỡng theo những tiêu chuẩn đạo đức mà có.”. Còn từ “luân lý” có nghĩa là “những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội.”
2. Vai trò đạo đức trong cuộc sống con người Giả như con người không có nền đạo đức nào làm chuẩn mực để hướng dẫn những hành vi của mình thì con người cũng giống như bao nhiêu sinh vật khác vậy, không hơn không kém. Con người khác với con vật là ở chỗ, con người có tình yêu thương được thể hiện trong quan hệ giữa người với người. “Đạo đức là cốt ở sống hợp với bản tính của con người.
3. Đạo đức trong Nho giáo Có thể nói được rằng nền luân lý Việt Nam được xây dựng trên những nền tảng của Nho giáo, và nó có thế giá trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những giá trị ấy có năng lực hướng dẫn con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất Nước. Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của đạo đức Nho giáo trong những anh hùng hào kiệt con Rồng cháu Tiên như Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung,…
4. Đạo đức trong Giáo hội Công giáo Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là con người được phú ban cho một nguyên lý tự nhiên gọi là “đạo” và tiếng nói sâu thẳm hay lương tâm gọi là “đức”. Nhưng lương tâm con người đã bị tội lỗi làm cho méo mó. Để điều chỉnh lại những sai lệch nơi con người, Thiên Chúa đã dùng Môi-sê làm trung gian để truyền cho con người phải làm điều này và không được làm điều kia, đó là luật luân lý hay mười giới răn. Mười điều luật này là quy phạm đạo đức hướng dẫn hành động của con người nhằm giúp con người đạt đến những giá trị siêu việt hay cuộc sống hạnh phúc viên mãn.
Giáo hội Công giáo, tiếp nối truyền thống Cựu Ước, rất tôn trọng những gì đã được ghi chép trong sách luật; đồng thời, nhằm thích nghi với những điều kiện sống hiện tại, Giáo hội còn đưa ra những quy tắc khác gọi là giáo luật để giúp con người đạt đến tình trạng tự do của con cái Chúa chứ không phải là con cái của nô lệ. Đạo đức đóng vai trò rất quan trọng đời sống Giáo hội. Nếu như không có luật Chúa hướng dẫn và giáo luật chi phối, con người dễ đi đến tự do phóng túng, đánh mất mình. Phải có thái độ nào với nền luân lý Công giáo ? Là tín hữu, chúng ta cần có thái độ tha thiết với luật Chúa trong đức tin vào Chúa Ki-tô để đạt được những điều Chúa đã hứa ban cho chúng ta.
1. Giá trị đạo đức Giá trị đạo đức là những phẩm chất làm cho con người tốt đẹp, sống có ý nghĩa. Giới trẻ là tương lai của Giáo Hội và của nhân loại. Đó làcâu khẳng định nhiều người đã biết. Nhưng đối diện với thực tế thì ai cũng thấy lo lắng cho tương lai ấy. Liệu nó có tốt đẹp như người ta tưởng không? Còn cứ như thực tế hiện nay thì nhân loại sẽ đi tới đâu, khi giới trẻ sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị vật chất, còn giá trị tinh thần thì hơi sức đâu nữa mà tìm kiếm. Con người ngày nay chỉ chú trọng đến những vấn đề phát triển kinh tế mà không quan tâm đến vấn đề phát triển toàn diện con người. Đó cũng là thách đố cho con người ngày nay khi đang đối mặt với bao điều nhức nhối như ô nhiễm, tài nguyên cạn kiệt, chiến tranh, buôn bán và khai thác phụ nữ, trẻ em… Nhìn vào thực tế, ta thấy được những hậu quả do công cuộc phát triển, do lối giáo dục từ chương, nhồi sọ, và do cơ chế quản lý, đó là một lối sống buông thả, gian lận trong thương trường, hưởng thụ quá độ…
2. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thay đổi về lối sống 2.1. Thay đổi cơ cấu gia đình Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, mà từ đó những đứa trẻ học được những nhân đức làm người. Nếu một gia đình ổn định, trong đó các thế hệ cùng chung sống hài hoà với nhau, thì người trẻ sẽ ít có những thay đổi về giá trị đạo đức, hay nói cách khác, giới trẻ sống trong gia đình đó sẽ rập theo nếp sống của cha ông họ. Còn những gia đình nào không có tính ổn định về cơ cấu thì quan niệm của người trẻ về đạo đức có thay đổi. Gia đình nào sống hạnh phúc, trong đó cha mẹ và con cái sống hài hoà với nhau, thì người trẻ sẽ cảm nhận được những giá trị cao đẹp như: hạnh phúc, lắng nghe nhau, tha thứ cho nhau, chấp nhận những khác biệt của nhau, yêu thương nhau, nâng đỡ nhau…
Còn những gia đình nào không có được hạnh phúc thì con cái sẽ không có nhận định đúng đắn về những giá trị đạo đức như: yêu thương, nâng đỡ, hoà thuận… Từ chỗ đó, họ dễ rơi vào tình trạng chán đời, thất vọng: bỏ nhà đi bụi, sống bê tha, sống bất cần đời. Trong xã hội hiện đại, do hoàn cảnh kinh tế và công ăn việc làm, nên các thành viên trong gia đình phải tự lo nghề lo nghiệp để kiếm sống. Vì thế, thời gian dành cho nhau là rất ít, dẫn đến cơ cấu gia đình thay đổi. Gia đình ngày nay không còn là gia đình đóng như xưa nữa, mà là gia đình mở nghĩa là các thành viên có những mối tương quan với xã hội khác nhau.
2.1.1. Gia đình sống định cư ở nông thôn Cuộc sống của họ quanh quẩn trong một phạm vi nhỏ, hằng ngày chỉ gặp mấy người, cùng đi làm, cùng chơi và cùng sống trong một thôn xóm. Do hoàn cảnh như thế, nên con người trong làng xóm đã quen với những sinh hoạt, những sinh hoạt này cứ lặp đi lặp lại, ít khi có thay đổi. Vì thế, người trẻ cũng ít có thay đổi về cách sống, về đạo đức, nghĩa là không có khoảng cách giữa họ và cha ông họ, nếu có thì cũng không đáng kể. Một xã hội như thế, giá trị truyền thống sẽ được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.
2.1.2. Những gia đình sống ở thành phố Cuộc sống ở thành phố cao hơn ở nông thôn về nhiều mặt, như kinh tế, nhận thức và hưởng thụ. Con người ở thành phố không còn có giới hạn trong một phạm vi làng xóm, mà ở thành phố phạm vi đó được mở rộng ra. Con người ở thành phố cũng có nhiều mối quan hệ hơn vì công việc, vì nhu cầu cuộc sống. Các gia đình sống ở thành phố có nhiều xáo trộn hơn, chứ không thuần tuý như ở nông thôn. Thanh niên ở thành phố không còn quan tâm nhiều đến những giá trị truyền thống, mà thay vào đó họ có nhiều quan niệm mới hơn. Vì thế, việc thay đổi quan niệm về đạo đức xảy ra nơi họ cũng là điều dễ hiểu.
2.1.3. Vì những thay đổi về cơ cấu gia đình Đối với những người trẻ, điều lành mạnh thì khó học, nhưng những điều sai quấy thì họ lại nắm bắt rất nhanh. Và ngày nay xu thế này đang bao trùm lên khắp xã hội. Sống trong thời bùng nổ thông tin, con người trong chốc lát có thể nắm bắt được những thông tin quan trọng, và thông tin ấy chẳng mấy chốc đã lan đi khắp nơi. Do ảnh hưởng của xu thế thời đại, đại bộ phận giới trẻ đã thay đổi cách suy nghĩ, họ không nghĩ như các bậc cha anh của họ nữa. Ngay cả đạo đức, họ cũng đã quan niệm khác các thế hệ đi trước. Phải chăng họ tiến bộ hơn các bậc tiền bối? Hay họ chỉ nhất thời suy nghĩ nông nổi thôi?
2.2. Phương tiện thông tin đại chúng Chưa bao giờ con người giàu thông tin như hôm nay. Có thể nói các phương tiện thông tin đại chúng đã làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống con người trong đó quan trọng nhất là nhận thức của họ. Nhờ vào thông tin đại chúng, con người có thể liên lạc với nhau dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời nắm bắt được những thông tin quan trọng trong nháy mắt. Người ta nói thời đại này là thời đại thông tin, ai mà đói thông tin, người đó là người lạc hậu, quả là đúng như vậy! Và chính thông tin đã làm cho con người, nhất là người trẻ có nhiều quan điểm khác hẳn người xưa, trong đó có cách nhìn về những giá trị đạo đức.
2.3. Trình độ học vấn Mỗi khi trình độ học vấn được nâng cao thì nhận thức về thời cuộc cũng thay đổi. Mà rõ ràng là người trẻ hôm nay được học nhiều hơn, được tiếp xúc với nhiều tiến bộ khoa học hơn người xưa thì chắc chắn họ có nhiều thay đổi về cách nhìn thế giới, con người và thời cuộc.
2.4. Đô thị Thực tế cho ta thấy là rất nhiều bạn trẻ đã không làm chủ được mình trước những lời mời mọc của xã hội thị thành. Nhìn vào thực tế ở TP.HCM, chúng ta cũng thấy được tình trạng sống của giới trẻ thành phố và ở thôn quê lên thành phố.
2.5. Nghề nghiệp Thế giới ngày càng đa dạng về công ăn việc làm thì cũng đòi hỏi con người phải có nhiều nghề nhiều nghiệp hay nhiều kỹ xảo nghề nghiệp hơn. Lao động có vai trò giáo dục con người rất lớn. Lao động làm cho con người vinh quang. Lao động cũng giúp con người phát triển cá tính và nhân cách. Tuy nhiên, ngày nay, con người đang mải mê vì công việc mà không lo đến nhân cách của mình. Họ cứ lo kiếm tiền và kiếm cách cho có thật nhiều tiền bất chấp mọi thủ đoạn. Họ không quan tâm đến những việc đó có ảnh hưởng đến nhân cách của mình hay không. Đó là nguy cơ của con người hiện đại hôm nay:
3. Quan niệm của người trẻ về đạo đức Từ những thay đổi về cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hoá và tư duy, con người đã có những thay đổi về giá trị đạo đức. Có thể nói, khi cuộc sống hiện đại bắt đầu cũng là lúc con người biết tôn trọng nhân phẩm hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề nổi cộm hơn.
4. Những giá trị (lối sống) mới Giới trẻ ngày nay, không phải họ không biết quý những giá trị cao đẹp, nhưng sống trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, họ khó đứng vững được trước những thay đổi chóng mặt đó. Họ đang chạy theo những giá trị vật chất, những thứ đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái hơn về tiện nghi. Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người; hơn bao giờ hết, cơn khát làm một người lương thiện cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Điều này được thể hiện trong việc họ say mê học tập: học ngoại ngữ, học vi tính, học các môn nghệ thuật; trong việc họ say mê với công việc. Suốt ngày họ phải lo để có kiến thức, để có tiền tiêu xài, để có phương tiện sử dụng, để cho bằng bạn bè. Nhịp sống hiện đại đã biến họ thành những con người máy, chỉ biết làm theo một trình tự đã được lập sẵn. Con người mất hết cảm thức về cái đẹp, về cách thưởng thức những nét đẹp nghệ thuật cũng như những nét đẹp nơi thiên nhiên.
4.1. Tự do cá nhân Tự do là một điều quý đối với con người. Đọc lịch sử nhân loại, ta thấy con người mọi thời đấu tranh vì cái tự do đó. Đấu tranh để được sống một cách tự do. Không phải ngày nay thanh niên mới chống đối kỷ luật. Trong mọi thời đại, người trưởng thành đều đua nhau phàn nàn điều đó. Socrate đã nói rõ ràng thanh niên trong thời đại của ông khinh chê quyền bính và thiếu kính trọng đối với người trên.
4.2. Thích sống tự lập hơn về kinh tế Con người ngày nay, nhất là giới trẻ, nhu cầu kiếm tiền là một nhu cầu cấp thiết. Vì thế, nhu cầu kiếm việc làm và trau dồi nghề nghiệp đã nảy sinh nơi giới trẻ ngay khi họ đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi họ đã đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc họ thích sống độc lập về kinh tế. Họ tự kiếm tiền và tự trang trải lấy những chi tiêu. Đó là một tình hình rất thực tế ngày nay.
4.3. Thích “hơn người” Giới trẻ hôm nay thích “hơn người” nhiều cái như trong tình yêu, trong công việc, Thích “hơn người” là một điều tự nhiên nơi con người, nhất là nơi những người trẻ. Vì thích “hơn người”, nên họ phải cố gắng nhiều để cho hơn người. Họ say mê học tập, say sưa tập thể dục. Họ chăm chú làm việc để kiếm thật nhiều tiền mà mua sắm. Khi đã mua sắm đủ thứ rồi, thì họ lại tìm cách làm sao cho thiên hạ thấy mình là tay biết ăn chơi: làm sao cho bộ dạng của mình tiều tuỵ như mất ăn mất ngủ, phải suy nghĩ nhiều…
4.4. Thích sống thử Chưa có thời nào như thời này, thanh niên thích sống thử trước hôn nhân. Đây là hiện tượng lan rộng. Sống thử là hiện tượng thanh niên nam nữ, chưa có giao ước hôn nhân, mà đã sống với nhau như vợ chồng. Trong quá trình sống với nhau, nếu hai người am hợp nhau thì sẽ tiến đến hôn nhân, bằng không thì đường ai người nấy đi. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì nền đạo đức con người sẽ bị tha hóa trầm trọng và tương lai của nhân loại không biết sẽ như thế nào!
1. Thần tượng hoá Hiện tượng thần tượng hoá những nhân vật phim ảnh, thể thao không phải là ít. Giới trẻ tôn ai lên làm thần tượng cho mình không phải vì những nhân đức trổi vượt của người đó, mà có khi chỉ vì thần tượng đó sống khác người. Điều này chúng ta sẽ rất dễ thấy nơi người trẻ hôm nay khi thấy họ ăn mặc, đi đứng, thể hiện giống như những nhân vật mà họ sùng mộ.
Do đâu lại có hiện tượng thần tượng những nhân vật như thế nơi người trẻ? Có lẽ nguyên nhân là vì họ luôn sống trong khát vọng được nổi tiếng, được khác người; nhưng nguyên nhân sâu nhất là vì sự thiếu lý tưởng sống, thiếu mục đích sống nơi họ. Họ luôn sống trong cô đơn và chán chường, trong khi đó, những nhân vật mà họ sùng mộ thì được nhiều người ngưỡng mộ, ca tụng. Họ tìm một thần tượng nào đó là nhằm để bù đắp những trống vắng, những cái thiếu nơi cuộc sống của mình.
2. Stress Cuộc sống hiện đại đã lấy đi khỏi đời sống người ta sự thư thái và an bình, thay vào đó là những lo âu, những dằn vặt, những chán chường, những mệt mỏi, nói chung là stress. “Stress” trở thành căn bệnh trầm trọng của xã hội. Stress là căn bệnh tâm lý rất nguy hiểm đối với cuộc sống của giới thanh thiếu niên. Tình trạng sống trong stress dẫn đưa người trẻ tới:
Tâm trạng buồn chán, sợ hãi, cô đơn, cảm thức về sự bỏ rời, về sự yếu hèn, về một cuộc sống đầy những ganh ghét tị hiềm, về một nhu cầu thoát ly thường trực, đó là tất cả tâm trạng nổi bật ở trong một tầng lớp trẻ ngày nay.
3. Thiếu thời gian Giới trẻ ngày nay hầu như luôn sống trong tình trạng thiếu thời gian. Họ luôn sống trong sự vội vàng. Vội vàng ăn uống, vội vàng học tập, vội vàng trong công việc, vội vàng trong cách đi đứng, vội vàng trong yêu đương và vội vàng trong cách kiếm tiền.
4. Không có khoảng trống để hồi tâm Để sống được trong xã hội hôm nay, con người đòi hỏi phải nỗ lực nhiều mới có chỗ đứng trong xã hội. Cuộc sống hôm nay có nhiều nhu cầu tiêu thụ. Có những nhu cầu quan trọng như nhu cầu kiếm tiền. Kiếm tiền là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hôm nay, như người ta thường nói “có tiền mua tiên cũng được”, “tiền là sức bật của tuổi trẻ”. Bên cạnh đó, đời sống con người cũng bị chi phối bởi nhiều hoàn cảnh. Người ta kiếm nhiều tiền để làm gì? Phải chăng là để gửi ngân hàng? Không phải. Khi đã có tiền rồi thì lại nảy sinh nhiều vấn đề khác. Tiêu khiển như xem phim ảnh, du hí như đi du lịch đây đó… Hầu như con người ngày nay đặc biệt là giới trẻ không có thời gian để hồi tâm suy nghĩ. Vì thế, cuộc sống của họ cho dù có nhiều tiền, nhiều thứ để chơi, nhiều thứ để hưởng nhưng lại không biết thưởng thức cho đúng. Họ chỉ biết hưởng mà không biết giá trị của nó. Có thể nói, cuộc sống của họ thiếu chiều sâu.
THAY LỜI KẾT Trong tâm thức của con người già - trẻ, đang tồn tại những sai lệch cần điều chỉnh. Thứ nhất, những người già cả cần có cái nhìn đúng và thông cảm hơn đối với người trẻ, cần đồng hành với giới trẻ trong những khó khăn của họ. Thứ hai, những người có trách nhiệm cần đi sát với thực tế của cuộc sống hiện tại của giới trẻ để có một hướng dẫn rõ ràng và cụ thể hơn. Tất cả toàn xã hội cần làm nhiều hơn nữa để giáo dục một thế hệ trẻ có nhân cách, có lý tưởng sống để tự học có thể đứng vững được trước mọi thách thức của thời cuộc.
Cuối cùng, để phát triển một xã hội bền vững thì cần phải quan tâm đến những giá trị đạo đức, nhất là cần áp dụng những giá trị mới vào việc đào tạo thế hệ trẻ, vì họ là rường cột của xã hội trong tương lai. Chúng tôi xin được mượn lời của Đức Gioan Phaolô II để kết thúc bài tiểu luận này: “Thách đố của chúng ta là làm sao đưa ra những giá trị mới và những phương thức hữu hiệu hơn để ‘đảm bảo một toàn cầu hoá mà không có tình trạng loại trừ. Đây đích thực là một trách nhiệm của công bằng, bao hàm những liên hệ đạo đức rõ rệt trong tổ chức đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá và chính trị của các quốc gia” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày Hoà bình Thế giới, 1998, số 3).